Hồng Đà Lạt đánh bật hồng Trung Quốc nhờ công nghệ Nhật Bản

Sau thời gian dài bị hồng Trung Quốc lấn át ngay trên sân nhà

vài năm gần đây nhờ phương thức sấy hồng theo công nghệ Nhật Bản, cho ra những sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng, hồng sấy Đà Lạt đã đánh bật được hồng Trung Quốc.

Trong những ngày cuối năm này, đơn đặt hàng mua hồng sấy khô theo công nghệ Nhật Bản đến với gia đình bà Đặng Thị Thu Vân (55 tuổi, ở số 45, đường Khe Sanh, phường 10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) ngày càng nhiều. Đây là năm thứ 3 gia đình bà Vân làm hồng khô theo công nghệ Nhật Bản. Riêng năm nay, sản lượng hồng sấy thành phẩm của gia đình bà Vân đưa ra thị trường ước đạt khoảng 1,2 tấn.

Hồng Đà Lạt dùng để sấy khô theo công nghệ Nhật Bản là hồng trứng và hồng vuông.
Thế nhưng, vào cuối năm 1990, đầu năm 2000, hồng Đà Lạt dần dần bị mất thế độc tôn. Sản phẩm cùng loại có giá rất rẻ từ Trung Quốc đổ ập vào thị trường Việt Nam, đánh bật hồng Đà Lạt. Nguyên nhân là do màu sắc bắt mắt của hồng Trung Quốc và giá cả rẻ mạt đã “ăn đứt” hồng Đà Lạt. Vậy là, hồng trên vùng đất này bắt đầu lâm vào những tháng năm “bi kịch”, giá bán trái tươi và hồng sấy rất rẻ, diện tích hồng liên tục bị thu hẹp vì người dân đua nhau phá bỏ.Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Tầm Nhìn, bà Vân kể, gia đình bà đã có gần 30 năm gắn bó với nghề trồng và sấy hồng. Đã có thời gian dài người trồng loại cây đặc sản này giàu to. Như năm 1985 chẳng hạn, khi đó giá vàng chỉ khoảng 300.000 đồng/chỉ trong khi giá hồng tại Đà Lạt được bán 18.000 đồng/kg. Sau mỗi vụ hồng, những gia đình trồng loại cây này đua nhau mua vàng, xây biệt thự, sắm xe hơi.

Để có được chất lượng tốt nhất, gia đình bà Vân phải chọn những quả hồng to, tươi ngon nhất, gọt sạch vỏ trước khi sấy.
Việc đầu tư xây dựng xưởng sấy hồng theo công nghệ Nhật Bản không tốn kém, cũng không phức tạp. Thông thường, khu vực sấy hồng có thể được thực hiện trong nhà mái tôn hoặc nhà kính, đảm bảo thông thoáng, có được ánh nắng mặt trời chiếu vào nhưng phải ngăn được mưa, sương.Sau năm 2010, thông tin hồng sấy Trung Quốc có chứa nhiều chất bảo quản, tẩm màu, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cho người tiêu dùng, những người nặng lòng với hồng Đà Lạt bắt đầu khôi phục lại nghề này. Ban đầu, họ vẫn giữ lối sấy truyền thống, tức sấy hồng bằng củi hoặc than đá. Từ năm 2012, thông qua Trung tâm nông nghiệp Đà Lạt, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã chuyển giao kỹ thuật sấy hồng theo công nghệ Nhật Bản cho người dân Đà Lạt, hộ bà Đặng Thị Thu Vân nhanh chóng được tiếp cận.

Theo công nghệ Nhật Bản, hồng phải sấy bằng ánh nắng tự nhiên, gió và quạt
Hồng dùng để sấy được gia đình bà Vân tuyển chọn từ những trái hồng trứng và hồng vuông to, đều, sắp chín, rửa sạch và gọt lớp vỏ ngoài. Bước tiếp theo là cho hồng vào máy sấy để làm khô lớp nước bên ngoài trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Khi hồng đã ráo nước, hồng được móc vào những móc nhựa, treo thành từng dây dài khoảng 1,2m. Quá trình sấy được thực hiện bằng sức nóng tự nhiên từ ánh nắng mặt trời, gió và quạt máy.\

Bà Vân cho biết, để có được một mẻ hồng sấy khô theo công nghệ Nhật Bản, quá trình sấy phải được thực hiện liên tục trong 20 ngày. Do hồng được sấy trong thời gian dài, khô từ từ nên sẩn phẩm làm ra giữ được chất dinh dưỡng, độ ngọt khá cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì không sử dụng hóa chất.

Nói thì đơn giản nhưng việc sấy hồng theo công nghệ Nhật Bản không phải dễ. Dù đã có kính nghiệm 3 năm sấy hồng theo công nghệ này nhưng không ít lần, gia đình bà Vân phải đổ bỏ nguyên mẻ vì hồng bị hư hỏng. “Làm hồng theo phương thức này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu sấy đúng vào thời điểm gặp trời mưa kéo dài, trời không có nắng hoặc nóng ẩm thất thường, độ nóng không đạt thì hồng sẽ bị chảy nước, lên men mặc dù lúc nào trong quá trình sấy cũng có quạt máy hỗ trợ”, bà Vân chia sẻ.

Đảm bảo khâu an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được chú trọng
Chị Nguyễn Thị Hương, một du khách đến từ TPHCM đang dùng thử hồng của gia đình bà Vân, cho biết: “Hồng ở đây rất thơm ngon, ngọt, khi cắn vào là mật trong trái hồng ứa ra đặc quánh. Dẻo và mền hơn những loại hồng mà trước đây tôi đã từng ăn…”. Sau khi thử, chị Hương quyết định mua 5kg hồng về làm quà cho những người thân.Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài việc tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản, trong quá trình làm hồng những người làm việc ở đây bắt buộc phải sử dụng bao tay, khi bước vào khu vực sấy phải mặc trang phục bảo hộ. Hiện gia đình bà Vân đang bán loại hồng này với giá từ 300.000-350.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chính là tại Đà Lạt và TPHCM. Ngoài ra, hằng ngày có nhiều khách du lịch tới thăm cơ sở của gia đình bà và mua hàng trực tiếp để mang về làm quà.

Sau 20 ngày sấy hồng đạt được độ khô, teo nhỏ, trong ruột đặc quánh mật ngọt

Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Tầm Nhìn, ông Nguyễn Tấn Sỹ, Chủ tịch UBND Phường 10, TP Đà Lạt cho biết, đã có thời gian người trồng hồng tại địa phương phá bỏ loại cây trồng này vì không thể cạnh tranh được với hồng Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, tại địa phương không ai phá bỏ hồng nữa. Hiện phường 10 có trên 100ha hồng, tập trung chủ yếu ở Trại Hầm, Khe Sanh.

“Hơn hai năm nay, từ khi tiếp cận phương thức sấy hồng theo công nghệ Nhật Bản, chất lượng sản phẩm đã được nâng lên rõ nét, được thị trường ưa chuộng, bây giờ, hồng Đà Lạt sấy khô đã đánh bật được hồng Trung Quốc rồi”, ông Sỹ phấn khởi cho biết.

Minh Thảo – Hoàng Hạnh

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *